Những ai sống, chiến đấu trong những năm chiến
tranh chống Mỹ chắc không bao giờ quên được chiếc hầm tránh bom hình chữ A. Đó
là một cái hầm nằm dưới lòng đất. Người ta đào đất rộng 2.5 m dài 5 m sâu 3 m. Phần
chịu lực được làm bằng cây gỗ đường kính chừng 20 cm, mỗi vài hai cây gỗ được
ghép lại hình chữ A. Cứ 1-2 m đặt một vài như vậy. Giữa các vài liên kết với
nhau bằng những thanh gỗ nhỏ hơn. Sau đó đất được đỗ lên nện cứng. Cửa hầm được
thông ra hai đầu.
Trong những năm từ 1964 đến 1972 chiếc hầm là
nhà, nơi trú ẩn an tương đối an toàn cho hàng chục triệu người dân miền Bắc và
miền Nam. Khi nghe tiếng máy bay, kể cả lúc không có máy bay chúng tôi cứ ở dưới
hầm. Mọi sinh hoạt thời chiến đều ở dưới hầm. Đó là những ngày chiến tranh rất
ác liệt, cái sống,cái chết gần kề nhưng cũng đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ. Dưới
hầm có những thứ cần thiết tối thiểu để sống và làm việc. Giường, chăn, màn,
đèn dầu, sách vỡ, dụng cụ nấu ăn, thực phẩm…
Hầm chỉ tránh được những loại bom bi, hay một
vài loại bom có sức công phá nhỏ khác. Riêng loại bom tấn thì không thể tránh
được.Hầm của gia đình chúng tôi trong tám năm trú ẩn chỉ có mấy lần bom bi địch
thả trúng trên hầm. Người dưới hầm không ai bị sát thương cả. Tuy nhiên tôi đã
chứng kiến cảnh tan nát của nhiều ngôi hầm sau những đợt oanh kích của máy bay
và pháo từ hạm đội địch ngoài biển bắn vào. Nhiều gia đình đã chết hết sau những
trận bom. Cảnh tang thương bao trùm làng quê những ngày đó.
Trong hầm ẩm thấp, nhưng ấm cúng, gần gũi và
thân thương. Tôi nhớ cứ mỗi lần nấu cơm khói bay lên, đó là lúc máy bay địch dễ
nhìn thấy. Chúng tôi phải làm mọi cách để phân tán làn khói nhỏ ra. Hồi đó dân
hay đốt lá Rèng mùi thơm thơm. Khói xua muỗi bay ra khỏi hầm. Sau đó chúng tôi
mới móc màn. Muỗi dưới hầm nhiều lắm. Mỗi buổi tối ngọn đèn dầu phải để sâu
trong hầm không cho ánh sáng lọt ra ngoài làm mồi cho máy bay.
Trong hầm thỉnh thoảng có rắn bò vào. Có những
con rắn độc cắn chết người. Vì vậy, mỗi lần xuống hầm chúng tôi phải dùng gậy
xua đuổi rắn (nếu có). Đó là động tác an toàn đầu tiên. Căn hầm cũng là nơi bọn
trẻ chúng tôi nô đùa thỏa thích. Hầm có nhiều ngõ và vật dụng nên chúng tôi thường
chơi trò trốn tìm. Khi tìm được người thật vui. Hầm là nơi tụ họp của toàn bộ
thành viên gia đình trong mỗi bữa cơm. Cơm thời chiến đậm bạc nhưng ngon miệng,
ấm tình gia đình.
Trong những giờ phút thanh bình hiếm có ba mẹ
thường kể chuyện cho chúng tôi nghe. Những mẫu chuyện thật lý thú. Ba mẹ cũng dạy
chúng tôi nhiều điều bổ ích từ trong căn hầm. Những đạo lý làm người, phương
pháp, cách học, cách nung nấu những ước mơ hoài bảo, khát vọng sống, sự bao
dung, độ lượng…
Tuy ác liệt, thiếu thốn, khó khăn nhưng trong
hầm vẫn vang lên lời ca tiếng hát. Ba tôi có cái máy Radio quý lắm. Nhờ cái máy
này mà chúng tôi liên hệ với thế giới bên ngoài. Từ bản tin chiến sự, tình hình
trong nước, nước ngoài, thời tiết, hoặc chương trình ca nhạc… Qua đó khích lệ
tinh thần yêu cuộc sống, yêu gia đình, cha mẹ, tinh thần chống giặc ngoại xâm,
khí phách dân tộc…
Có lẽ chúng tôi và rất nhiều người khác may mắn
sống đến ngày hôm nay cũng là nhờ chiếc hầm trú ẩn ngày đó. Những chiếc hầm
mang theo sức sống mãnh liệt, vượt qua mọi bom đạn hiểm nguy. Đó là nơi ghi nhiều
dấu ấn kỷ niệm thời thơ ấu, thời chiến tranh rực lửa bom đạn nhưng chan chứa
tình người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét