Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

GIÀY TÂY NGÂM NƯỚC XÀ PHÒNG



Lính cũ bắt nạt lính mới. Đó là câu ngạn ngữ từ xưa cha ông ta nói quả không sai.Chúng tôi phần lớn là dân tỉnh lẻ sang đây du học. Sinh ra và lớn lên trong những năm chiến tranh, nghèo đói, lạc hậu. Trong những năm tháng ấu thơ đến lúc đi du học chưa bao giờ đi giày tây. Trước khi lên đường sang nước bạn nhà nước phát cho anh em chúng tôi mỗi người hai va li, mấy bộ quần áo, kể cả bộ vét,  giày tây. Chúng tôi ăn mặc chỉnh tề khi lên máy bay. Phải nói lần đầu tiên trong đời chúng tôi bận áo quần như những người dân ở các nước phát triển. Bộ vét đi giày tây trông thật là oách. Chúng tôi cứ đứng ngắm mình trong gương hàng tiếng đồng hồ. Ngày đầu tiên sang Mông Cổ ai cũng mang đôi giày tây được cấp phát đó. Nhưng điều đó lại là một câu chuyện để có thể nhớ mãi.
Những giờ phút đầu tiên đặt chân đến nước bạn, những sinh viên cũ cứ quây quần bên những chàng lính mới. Họ hỏi chúng tôi đủ thứ rồi họ kể sơ qua cuộc sống của anh em mình ở đây. Trong đó có đoạn mùa đông ở xứ sở này thường kéo dài và rât lạnh. Mùa đông đến, trong thời gian lạnh nhất khi đi ra phố phải mặc áo pan tô thật dày, phải chuẩn bị cái búa để đập đá ở mũi. Khi thở do không khí quá lạnh đá đông ngay trước mũi, nên phải đập đi để có đường thở. Họ kể nhiều chuyện xấu có, tốt có. Trong đó có nhóm người họ cứ nói to nhỏ rằng có mùi gì đó khó chịu như mùi hôi của giày. Một vài người trong số họ đề nghị chúng tôi đi tắm rửa và ngâm giày. Chúng tôi ai cũng nghĩ  phải như vậy. Thế rồi họ cho chúng tôi mượn chậu để ngâm áo quần bẩn kể cả đôi giày.
Sau khi chúng tôi ngâm nhiều tiếng đồng hồ tôi thấy họ cứ cười khúc khích. Không biết họ cười vì chuyện gì? Chúng tôi rất áy náy. Mãi sau thấy chúng tôi ngú ngớ, có lẽ sợ giày chúng tôi hỏng nên họ đem giặt rồi phơi giấu đi. Ngày mai khi chúng tôi ra nơi ngâm giầy để giặt thì không thấy giày đâu cả. Sau đó họ trả cho chúng tôi mà họ vẫn cười. Té ra giày làm bằng da có ai ngâm vào nước xà phòng bao giờ. Nếu ngâm lâu giày sẽ phồng lên và hỏng.
Đó là câu chuyện vui mà chúng tôi nhớ mãi. Không biết anh em cùng thời đó còn nhớ không?
Điều đó cũng nói lên một sự thiệt thòi và lạc hậu của hàng loạt thế hệ người Việt Nam trong đó có chúng tôi. Họ lớn lên trong khói lửa bom đạn của chiến tranh, thiếu ăn, thiếu mặc, chết sống cận kề. Ngay đôi dép cao su không có mà đi nói gì đến đôi giày tây quá xa xỉ. Áo quần chỉ có một bộ, khi giặt thì chả còn đồ mặc nữa, phải mặc đồ lót. Khi bị rách thì phải khâu vá lại chứ áo quần rất hiếm và có tiền đâu để mua áo quần mới. Sau này khi đi du học nước ngoài nhiều cái mới vỡ lẽ ra. Nghèo đi liền với lạc hậu. Đúng là:
Giầy tây ơi hỡi giày tây
Đẹp thì đẹp đấy nhưng làm gì để gìn giữ ngươi?

1 nhận xét:

  1. Hahah... Nhờ vậy mới có chuyện nhớ đến... già! Không biết có anh nào lo chuẩn bị búa không nhỉ?
    Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn!

    Trả lờiXóa